Chăm chó con cũng giống như chăm một bé sơ sinh, chúng ta luôn phải cẩn thân từng ly từng tí để không ảnh hưởng đến sự nhạy cảm sơ sinh. Tương tự như các bé mới sinh, các boss sơ sinh cũng phải có một số kiêng cử như thức ăn, thời gian tắm, bồng bế nhẹ nhàng. Tất tần tật những điều đó có thể chúng sen sẽ cảm thấy có đôi phần rối rắm ấy nhỉ? Vậy nên, hãy để Sen Đi Đâu giúp bạn note lại những lưu ý quan trọng khi chăm chó con nhé!

Để đón chờ các Boss sơ sinh thì bạn sẽ không thể bỏ qua những lưu ý về cách chăm chó con cơ bản nhất. Đây có thể được xem là giai đoạn nhạy cảm nhất với cả chó con và chó mẹ, chúng sẽ rất dễ bị tổn thương. Cho nên, để có thể chăm boss một các hiệu quả và tốt nhất, bạn hãy nhớ trang bị những kiến thức cơ bản sau đây.

cham-cho-con-dang-yeu
Chăm sóc chó con – chó sơ sinh là điều không hề dễ dàng. Ảnh: Internet

Hãy để chó con cạnh mẹ

Lưu ý đầu tiên cho các Sen khi chăm chó con đó chính là không tách mẹ khi còn quá sớm. Hãy cho các bé sinh hoạt và tiếp xúc cạnh chó mẹ một cách tự nhiên. Các chó mẹ với tập tính sẽ có cách chăm sóc cho chó con hợp lý nhất. Từ việc cho con bú, vệ sinh cho con, chó mẹ đều sẽ có thể tự hoàn thành một cách tốt nhất.

Ở giai đoạn này, bạn chỉ nên chú ý đến các chó con để tránh việc các chó mẹ có phần hơi vụ về trong các trường hợp như: nằm đè lên con, chó con không tìm được núm vú sữa, chó con mò lạc ra ngoài,… Bên cạnh đó, bạn cũng nên vuốt ve chó mẹ, để chúng bớt nhạy cảm sau sinh và sẽ hiền hòa hơn.

cho-con-ngoan
Chú ý quan tâm thường xuyên đến các boss bé bỏng. Ảnh: Internet

Trang bị ổ đẻ phù hợp

Chó con khi mới ra đời sẽ phải tiếp xúc với môi trường hoàn toàn khác với trong bụng mẹ. Việc đảm bảo cho môi trường đầu tiên mà các bé tiếp xúc không bị quá khác biệt, ảnh hưởng đến sức khỏe chính là yêu tố tiên quyết. Về ổ sinh/đẻ của chó mẹ, bạn hãy lưu ý chọn nơi rộng thoáng mát nhưng phải ấm áp không được thông gió. Khi chó mẹ sinh ổ sẽ dễ bị ẩm ướt do các dịch tiết ra, ngoài việc chó mẹ tự vệ sinh thì bạn cũng nên phụ giúp dọn dẹp sạch sẽ ổ. Bạn nên lót ổ bằng vải mềm và thay vệ sinh mỗi ngày để chó con không bị lạnh và bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, khi mới sinh ở giai đoạn 7 ngày đầu tiên, việc đảm bảo nhiệt độ ấm áp cho các bé là điều cần thiết. Bạn nên bổ sung đèn 40W để giúp chó con sưởi ấm, điều này sẽ cực kỳ cần thiết nếu chó con được sinh ra vào mùa đông. Ở 1 đến 2 tuần đầu tiên, thân nhiệt của các bé sẽ tương đối thấp với môi trường, vậy nên bạn sẽ phải thật chú ý đảm bảo giữ ấm cho chó con.

cho-con-de-thuong
Lót ổ bằng khăn hoặc vải bông mềm. Ảnh: Internet

Bổ sung ánh sáng tốt

Cũng giống như ở người, các bé chó con sơ sinh cũng sẽ cần được bổ sung ánh nắng tốt để giữ ấm và cho xương thêm chắc khỏe hơn. Chó con sau từ 3 – 5 ngày, khi đã cứng cáp hơn xíu thì bạn có thể giúp các bé phơi nắng. Bạn có thể để ổ gần nơi có ánh sáng ban ngày chiếu vào, nhưng chú ý đừng để ánh sáng rọi thẳng vào nhé. Hoặc bạn cũng có thể đưa các bé ra phơi nắng vào mỗi buổi sáng.

Thời gian có ánh nắng tốt nhất là trước 8h30 sáng, bạn chỉ nên cho các bé phơi nắng trước giờ này. Sau khoảng 9h thì nắng sẽ bắt đầu gắt hơn, có nhiều tia cực tím có hại. Vậy nên, tuyệt đối không đưa chó con ra phơi nắng vào thời điểm sau 9h sáng bạn nhé.

cham-cho-con-tot
Bổ sung ánh sáng tốt để giúp các boss tăng cường sức đề kháng. Ảnh: Internet

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất

Vào giai đoạn vừa mới sinh ra, chó con sẽ không còn phụ thuộc vào chó mẹ nữa mà chúng sẽ phải tự hình thành nên các kháng thể với môi trường. Bên cạnh đó, sữa non của chó mẹ có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và các kháng thể có lợi cho chó con. Từ đó, việc cho chó con bú sữa mẹ và đặc biệt là sữa non là điều cần thiết hơn cả. Với trình tự sinh của chó mẹ, các chó con được sinh cuối sẽ thường ốm yếu hơn các anh chị của mình. Bạn hãy chủ động để giúp các bé có được nguồn sữa non đầu để bổ sung thêm đề kháng nhé.

Nếu ở trường hợp các chó mẹ yếu và không ra nhiều sữa thì hãy chú ý đến việc bổ sung dinh dưỡng cho chó mẹ và trợ sữa bằng các loại sữa dành cho chó sơ sinh hoặc sữa bò, sữa dê tươi. Chó mẹ sau sinh sẽ khá mất sức, để đảm bảo cho nguồn sữa mẹ và sức khỏe để chó mẹ chăm con, bạn nên bổ sung một số loại thực phẩm có lợi là chất đạm và vitamin như thịt nạc, sữa, trứng vịt lộn,… Bạn cũng có thể giúp cân bằng dinh dưỡng khi bổ sung các loại rau củ như cà rốt, đu đủ, súp lơ.

thuc-an-cho-cho-con
Chỉ cho chó con uống sữa ngoài khi mẹ thiếu sữa. Ảnh: Internet

Vệ sinh sạch sẽ cho cả mẹ lẫn con

Chó con với sức đề kháng yếu sẽ rất dễ bị các loại vi khuẩn xâm nhập và sinh bệnh. Nhưng việc tắm rửa và vệ sinh cho chó con được xem là kiêng kỵ khi chưa đủ cứng cáp. Việc tắm cho chó con sẽ chỉ diễn ra khi chó con đã khoảng 10 tuần tuổi, lúc đó, chó con mới đủ khỏe để không bị ngợp nước hay cảm lạnh. Thế nhưng ở 10 tuần đầu bạn vẫn phải vệ sinh cơ thể cho các bé để loại bỏ vi khuẩn có hại.

Ở chó mẹ, kho cho con bú, các đầu ti của chó mẹ phải đảm bảo sạch sẽ không bị nhiễm khuẩn, có như thế các cho con mới không bị bệnh lây nhiễm từ ti sữa. Để đảm bảo được tình trạng này, bạn hãy nên thực hiện việc vệ sinh lau chùi các đầu ti của chó mẹ thường xuyên mối ngày từ 1 đến 2 lần. Với chó con, để tránh việc bị nhiễm khuẩn thì bạn cũng nên dùng khăn bông mềm hoặc bông gòn thấm xíu nước ẩm và thực hiện vệ sinh cơ thể cho các bé. Đặc biệt chú ý vệ sinh phần hậu môn và bộ phận sinh dục của các chó con để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm.

cham-cho-con-khoe-manh
Hãy để chó con phát triển một cách tự nhiên trong môi trường tốt nhất. Ảnh: Internet

Chế độ ăn

Dinh dưỡng của một bé chó con cần được quan tâm theo từng giai đoạn phát triển. Với chó con, việc phát triển nhanh kèm theo đó là cách ăn uống, bổ sung dinh dưỡng cũng nên được đáp ứng phù hợp theo quá trình lớn lên của các boss cưng. Vậy nên khi chăm chó con, bạn tuyệt đối không được bỏ qua chế độ ăn mỗi ngày của boss.

  • Từ khi chào đời cho đến 5 ngày tuổi: lúc này, chó con chỉ nên được uống sữa mẹ mỗi ngày. Trừ khi chó mẹ bị thiếu sữa mới cần đến việc pha sữa ngoài. Khi pha sữa ngoài cũng nên để sữa âm ấm, cho chó con bú bằng bình sữa vú cao su dành riêng cho chó con hoặc trẻ sơ sinh.
  • Sau khi chào đời được 5 đến 10 ngày: ở giai đoạn này, cần bổ sung thêm sữa ngoài để cung cấp thêm dinh dưỡng và năng lượng cho chó con. Tập cho các bé liếm sữa bằng cách rót sữa ra đĩa và dúi mõm bé vào đĩa, tập cho chó con quen dần. Mỗi ngày chỉ cần cho uống thêm 100 – 200ml sữa.
  • Khi được 15 ngày tuổi: cho chó con ăn thêm cháo nhuyễn, cháo thịt bằm nhỏ. Mỗi ngày chỉ cho ăn 1 – 2 bữa cháo và vẫn giữ cử uống sữa cho bé.
  • Khi đã được 20 ngày tuổi: lúc này các bé có thể ăn được cháo gạo bình thường, nhưng nên ninh cháo nhừ một xíu vẫn kèm với thịt bằm. Mỗi ngày cho ăn 2 bữa cháo và vẫn giữ cử sữa cho các bé.
  • Từ ngày tuổi thứ 30 trở đi: từ gia đoạn này trở đi, việc cung cấp thêm rau xanh là điều cần thiết cho khẩu phần của chó con. Có thể bổ sung khoai tây và rau xanh vào khẩu phần mỗi ngày. Thực đơn cũng có thể phong phú hơn với cơm trắng, thịt, cá, rau củ quả. Bên cạnh đó, có thể tăng dần bữa ăn lên cho các bé từ 4 đến 5 bữa mỗi ngày với 2 – 3 bữa chính và 2 bữa phụ với sữa.

Và hãy nhớ tuyệt đối trong giai đoạn này, bạn không nên cho các bé chó ăn thịt cá sống nhé. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu hóa của các bé.

phuong-phap-cham-cho-con-luu-y
Có chế độ ăn uống quy chuẩn khi chăm chó con. Ảnh: Internet

Tiêm chủng phòng bệnh và kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Hãy chú ý đến thời gian cần tiêm chủng cho các bé chó con để giúp các bé kháng lại các bệnh nguy hiểm. Tùy theo tình trạng sức khỏe các bé mà sẽ có thời gian cần tiêm chủng khác nhau. Thông thường ở những bé chó con khỏe mạnh thì ở giai đoạn sau 6 tuần tuổi là thời điểm có thể thực hiện tiêm chủng. Để biết được chắc chắn tình trạng và thời điểm tiêm chủng chính xác nhất cho các chó con, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y.

Mặc khác, bạn cũng hãy chú ý đến sức khỏe của các bé chó con mỗi ngày. Ở giai đoạn này, hệ miễn dịch của các bé còn rất kém, rất dễ bị nhiễm bệnh hoặc bị các bệnh di truyền từ mẹ. Các biểu hiện cơ bản để bạn có thể phát hiện được tình trạng sức khỏe không tốt với các bé như: nhịp thở không đều, chảy nhiều nước mũi, tiếng thở nhỏ/lớn, bú ít hoặc bỏ bú, chảy nước mắt nhiều,… Nếu phát hiện tình trạng không bình thường khi chăm chó con, bạn nên liên hệ hỏi thêm ý kiến từ các bác sĩ thú y để được tư vấn đưa bé đi kiểm tra hoặc mời bác sĩ về nhà.

cho-con-puppy
Chú ý kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho các chó con. Ảnh: Internet

Việc chăm các chó con không phải là điều dễ dàng nhất là với các sen hay vụng về. Vậy nên, những lưu ý trên là điều thật sự cần thiết khi bạn chuẩn bị đón chờ những bé cho con đáng yêu. Hãy đảm bảo rằng bạn đã trang bị đủ kiến thức cho bản thân thật tốt để có thể chăm sóc cho các bé tốt nhất bạn. Hi vọng những chia sẻ từ sendidau.com đã giúp bạn thêm tự tin sẵn sàng đón ngay các bé chó con đáng yêu chào đời.