Mứt Tết là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. Một mâm với đầy đủ các loại mứt như mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt hạt sen,… luôn là cách để mỗi người cảm nhận rõ hơn về cái dư vị của những ngày đầu năm mới. Trong bài viết này, Sendidau sẽ đưa bạn đọc khám phá một món mứt thơm ngon, mang đặc trưng của dân tộc – mứt hạt sen ngày Tết.

Mứt hạt sen ngọt bùi cho ngày đầu năm mới

Mọi người vẫn thường nhắc về Tết với “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ – Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”. Thế nhưng để Tết sum vầy thêm trọn vị thì một trong những món quà vặt không thể thiếu chính là mứt. Ngày nay, có rất nhiều công thức làm mứt từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Thế nhưng trong đó mứt hạt sen vẫn là một trong những lựa chọn được người nhắc đến.  

Mứt hạt sen là món ăn vặt quen thuộc trong ngày Tết (Ảnh: Internet)

Đúng như tên gọi, mứt hạt sen được làm từ nguyên liệu chính là hạt sen. Không chỉ là món ăn vặt quen thuộc để đón xuân, mứt hạt sen còn góp phần mang lại cho mọi người giấc ngủ ngon và cả giá trị dinh dưỡng, nhất là đối với những người lớn tuổi. 

Bên cạnh đó mứt hạt sen còn mang ý nghĩa cho một năm mới sum họp, con cháu đầy nhà. Khi thưởng thức loại mứt này, người dùng sẽ cảm thấy mùi thanh mát và vị bùi bùi nơi đầu lưỡi. Tết đến, xuân về, mọi nhà dùng hạt sen với mong muốn về một năm mới thuận lợi, may mắn như chính sắc hồng tươi thắm của hoa sen.

Mứt hạt sen tươi

Nguyên liệu

Có hai phương thức làm mứt hạt sen là làm mứt hạt sen tươi và mứt hạt sen khô. Mứt hạt sen tươi thường được mọi người yêu thích vì vẫn giữ được vị ngọt, thơm vốn có. Nguyên liệu làm mứt hạt sen tươi vô cùng đơn giản, bao gồm: Hạt sen tươi (500g), đường phèn (300g), vani dạng bột (1 muỗng) và một thìa muối.

Nguyên liệu làm mứt hạt sen tươi (Ảnh: Internet)

Tỉ lệ nguyên liệu này được sử dụng để chế biến mứt hạt sen dành cho bốn người. Trong đó, vani dạng bột còn có thể thay thế bằng nước hoa bưởi để mang lại mùi thơm hấp dẫn cho món mứt hạt sen. Tuy nhiên, đây là phần nguyên liệu không bắt buộc phải có vì nó chỉ là yếu tố giúp cho mứt hạt sen có thêm hương vị nên nếu không thích bạn hoàn toàn có thể bỏ qua. 

Cách làm

So với mứt hạt sen khô, cách làm mứt hạt sen tươi có phần phức tạp và công phu hơn. Trước hết, bước sơ chế nguyên liệu được thực hiện khá dễ dàng. Hạt sen tươi được đâm thủng tâm để loại bỏ phần đắng của tâm sen. Chúng ta cũng có thể chọn mua loại hạt sen đã loại sẵn tâm sen. Sau đó, hạt sen này được mang đi rửa sạch rồi để cho ráo nước. Phần đường phèn đã chuẩn bị sẽ cho vào máy xay để đường được xay nhuyễn thành dạng bột.

Hạt sen sau khi đã ráo nước được mang đun sôi, lưu ý lúc này cần phải cho thêm một chút muối vào nồi nước. Luộc hạt sen cho đến khi vừa chín tới thì vớt ra và bỏ vào thau nước ngâm khoảng 10 phút để hạt sen nguội. Khi luộc hạt sen, không nên luộc quá lâu vì như vậy sẽ khiến cho hạt sen dễ bị nứt và không còn nguyên vẹn khi làm mứt. Cách thử hiệu quả nhất là đợi hạt sen căng tròn thì gắp lên thử, rồi dùng ngón tay nghiền nát nếu thấy bột mịn là hạt sen đã đạt yêu cầu.

Hạt sen sau khi luộc sẽ được ngâm trong nước khoảng 10 phút (Ảnh: Internet)

Công đoạn tiếp theo chính là ướp hạt sen. Cũng giống như các loại mứt khác, để làm mứt thì hạt sen sau khi để nguội được mang ướp với đường phèn đã xay nhuyễn trước đó. Tỉ lệ đường và hạt sen sẽ phụ thuộc vào sở thích ăn ngọt của mỗi người. Cách tốt nhất để hạt sen được ướp đều là nên rải một lớp đường rồi đến một lớp hạt sen, lưu ý không nên trộn hạt sen vì cách làm này khiến hạt sen dễ bị nát. 

Hạt sen được ướp với đường trong khoảng 2-3 tiếng để đảm bảo đường tan chảy hết. Sau khi đã trải qua thời gian ướp, hạt sen sẽ chuyển thành màu trong sau khi đã ngấm đường. Lúc này, sẽ chuyển sang giai đoạn sên thành mứt. Đầu tiên, hạt sen sẽ được đổ vào chảo cùng với nước đường và đun ở mức lửa nhỏ. Vừa đun vừa đảo nhẹ để hạt sen ngấm đường thật đều. Khi nước đường sôi lên rồi bắt đầu kẹo đặc lại thì cần phải đảo mứt mạnh tay và liên tục. 

Mứt hạt sen được sên cho đến khi lớp đường khô lại và bám bên ngoài hạt sen (Ảnh: Internet)

Đảo cho tới khi hạt sen bắt đầu khô ráo và có lớp đường bám ở bên ngoài hạt sen thì tiếp tục đảo nhẹ thêm vài phút. Cuối cùng, bỏ thêm chút vani hoặc nước hoa bưởi rồi lắc nhẹ chảo để mứt được khô ráo trước khi tắt bếp. Mứt hạt sen được để nguội là hoàn toàn có thể thưởng thức được. Những sản phẩm mứt hạt sen đạt yêu cầu khi có vị ngọt vừa đủ, dẻo và bùi. Mứt hạt sen có màu vàng bắt mắt, không bị cháy hoặc khô cứng.

Mứt hạt sen ngọt bùi đón xuân sang (Ảnh: Internet)

Mứt hạt sen khô

Nguyên liệu

Nguyên liệu để chuẩn bị làm mứt hạt sen khô cũng tương tự như cách làm mứt hạt sen tươi. Khác biệt duy nhất chính là thay hạt sen tươi bằng hạt sen khô và với loại hạt khô này thì đã được lược bỏ tâm sen. Phần nguyên liệu này có thể thay đổi linh hoạt tùy theo sở thích và khẩu vị của mỗi người. Đặc biệt, với những gia đình có người già thì không nên cho quá nhiều đường.

Hạt sen khô được sử dụng để làm mứt hạt sen ngày Tết (Ảnh: Internet)

Cách chế biến

Trước tiên, hạt sen khô được rửa sạch, rồi ngâm vào nước trong khoảng 4 tiếng đồng hồ để hạt nở ra. Khi thời gian ngâm đã đủ, vớt hạt sen ra và rửa lại nhiều lần cho thật sạch. Bước tiếp theo là đổ hạt sen vào nồi rồi cho ngập nước, thêm ½ thìa muối, đậy nắp và đun sôi. Hỗn hợp này được đun trong khoảng 15 phút với mức lửa vừa cho đến khi hạt mềm thì tắt bếp. Hạt sen lúc này được vớt ra, rửa lại lần nữa với nước sạch rồi để cho ráo nước.

Hạt sen được ướp với đường trước khi sên thành mứt (Ảnh: Internet)

Công đoạn tiếp theo là ướp hạt sen với đường. Tương tự như khi làm mứt hạt sen tươi, hạt sen khô sau khi đã luộc chín sẽ được ướp với đường. Tuy nhiên, do đặc tính của hạt sen khô nên thời gian ướp lâu hơn so với hạt sen tươi, kéo dài khoảng 6 tiếng. Ướp hạt sen cho đến khi đường đã tan và thấm vào hạt sen.

Sau đó, dùng nồi hoặc chảo có đáy dày để sên mứt với mức lửa nhỏ để mứt không bị cháy. Trong quá trình sên chỉ nên đảo nhẹ tay liên tục để hạt sen khô lại, nếu đảo quá mạnh sẽ làm cho hạt sen bị nát. Khi thấy mứt hạt sen đã khô lại với lớp đường bám bên ngoài hạt sen thì tắt bếp và đổ ra khay lớn để nguội. Một đĩa mứt hạt sen khô giòn ngọt chắc chắn sẽ làm hài lòng những người thưởng thức.

Mứt hạt sen sẽ trở nên trọn vị khi thưởng thức với trà nóng (Ảnh: Internet)

Cách bảo quản mứt hạt sen ngày Tết

Mứt hạt sen thường được bảo quản trong lọ thủy tinh đậy kín nắp hoặc túi zip rồi đổ một lớp đường trắng lên trên. Lớp đường này có tác dụng hút ẩm và giữ mùi thơm ban đầu của mứt. Không nên bảo quản mứt trong tủ lạnh với nhiệt độ thấp, đồng thời phải tránh ánh nắng mặt trời vì nếu nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp sẽ làm mứt dễ bị chảy nước và nhanh hỏng. Mứt hạt sen chỉ nên sử dụng trong khoảng 2 – 3 tuần để đảm bảo giữ được hương vị thơm ngon như ban đầu.

Sản phẩm mứt sen được bảo quản trong hộp kín (Ảnh: Internet)

Vậy là chỉ với nguyên liệu quen thuộc và cách chế biến vô cùng đơn giản, chúng ta đã có ngay món mứt hạt sen thơm ngon và bổ dưỡng.  Một đĩa mứt hạt sen ngọt bùi cùng với ly trà ấm nóng sẽ là món quà vặt thú vị để cả nhà ngồi nhâm nhi trong không khí sum vầy của ngày Tết. Hy vọng với bài viết của Sen ơi, Mình đi đâu thế, bạn sẽ dễ dàng làm được món mứt hạt sen để dành tặng cho cả gia đình!

>>> Xem thêm: Món ngon mỗi ngày thực đơn giá cả sinh viên