Miền quê sông nước Tây Nam Bộ là vùng đất đậm đà bản sắc với ẩm thực phong phú. Những món ăn ở nơi đây luôn được đánh giá cao cả về hương vị lẫn cách chế biến. Bên cạnh các món mặn, trái cây, bánh cũng là một niềm tự hào của người dân miền sông nước. Bạn có sẵn sàng cùng Sen ơi, Mình đi đâu thế khám phá 8 loại bánh xứng danh đặc sản miền Tây chưa?
Bánh đúc ngọt nước cốt dừa
Người dân miền Tây rất ưa chuộng sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên nhất để làm đa dạng món ăn của mình. Với lợi thế về đất đai và khí hậu, không chỉ tôm cá, lúa gạo, hoa quả và rau củ cũng là thứ rất phổ biến ở nơi đây. Tận dụng những gia vị tươi tốt như lá dứa, dừa, mè,…, bánh đúc ngọt cốt dừa ra đời với hương vị thơm ngon. Đây là món ăn dành cho những người yêu thích đồ ngọt nhé.
Với nguyên liệu chính là bột gạo và bột năng được trộn với nước ép lá dứa cho thành phẩm là miếng bánh dai, mềm, thơm mùi đặc trưng. Bánh đúc lá dứa sau khi hấp chín sẽ được cắt thành những miếng nhỏ hình chữ nhật. Khi ăn, bạn chan thêm nước cốt dừa, nước đường thắng và rắc một ít mè rang thơm nức. Tổng thể món ăn có vị ngọt dịu của đường, béo của nước dừa và chút bùi của mè. Bánh nên được ăn khi còn nóng để tròn vị nhất.
Về miền Tây, hãy thưởng thức bánh đúc ngọt cốt dừa ở Cần Thơ và An Giang. Giá thành cho một phần bánh cực kỳ rẻ. Bạn chỉ cần khoảng 10.000 – 15.000 đồng là đã có một đĩa đầy ắp các thành phần thơm nồng nàn và kích thích vị giác. Món đặc sản này chỉ bảo quản trong nhiệt độ thường một ngày, do đó bạn chỉ nên mua một ít nếu có ý định mang về ăn để thỏa mãn sự yêu thích.
Bánh cống
Bánh cống là đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, thuộc miền Tây Nam Bộ, nơi cửa Nam sông Hậu. Phần vỏ bánh có hình trụ với phần miệng lớn, mỏng. Nhân bánh gồm đậu xanh chưa cà vỏ và tôm tươi ngọt bùi. Bánh được chiên ngập dầu trên lửa lớn nên có độ giòn cao. Bạn có thể ăn kèm với nước chấm cay nồng, rau thơm và xà lách. Loại bánh này nên được ăn ngay khi vừa chiên xong.
Bánh cống khi du nhập vào Sài Gòn có giá khá cao, tuy nhiên nếu thưởng thức trực tiếp tại miền Tây, giá thành của chúng khá rẻ. Mỗi chiếc chỉ dao động từ 6.000 – 8.000 đồng. Lý do vì các nguyên liệu đều có sẵn trong tự nhiên, dễ đánh bắt, thu hái và đặc biệt tươi mới. Hương vị chính gốc của bánh theo đó cũng được lưu giữ nguyên vẹn qua bàn tay của người nấu.
Bánh tằm bì nước mắm cốt dừa
Bánh tằm bì là loại bánh cực kỳ đặc biệt của người miền Tây. Bánh làm từ bột gạo có dạng sợi dài, giống sợi bánh canh nhưng dai và to hơn. Khi ăn, người dân trộn bánh với thịt heo nạc xắt mỏng và dài, nước mắm, cốt dừa, rau thơm và dưa leo. Tên bánh được đặt dựa vào sự liên tưởng con tằm đang ăn bì. Đây là món ăn có thể dùng để ăn no hoặc ăn vặt đều được.
Đặc trưng của bánh tằm bì là ăn với cả nước mắm cay mặn và nước cốt dừa ngọt. Mặc dù hai thành phần này không liên quan đến nhau nhưng khi kết hợp lại với bánh lại cho vị ngon khó tả, độc lạ. Vì sự nổi tiếng và khác biệt này mà món bánh tằm bì đã được bày bán nhiều người biết đến. Dù vậy, bánh phù hợp với khẩu vị của nhiều người.
Về Tây Nam Bộ, bạn hãy đến Bạc Liêu để thưởng thức món ăn này. Với mức giá từ 10.000 – 20.000 đồng, bạn đã có ngay một đĩa bánh thơm ngào ngạt và ngon lành. Nếu thích, bạn có thể tham khảo cách làm của người dân nơi đây. Bánh tằm bì có công thức khá đơn giản, dễ chế biến. Bạn hoàn toàn có thể mang món đặc sản miền Tây này “về nhà” của mình và tự làm, tự thưởng thức.
Bánh bò thốt nốt
Bánh bò thốt nốt được làm từ bột, men và đường thốt nốt. Bánh có vị ngọt đặc trưng, mềm xốp và dễ ăn. Các nguyên liệu tạo thành đều có lợi cho sức khỏe, giúp giảm cân và làm đẹp da. Bạn có thể thưởng thức loại bánh này ở nhiều tỉnh miền Tây, tuy nhiên nơi chuẩn vị nhất là An Giang. Thốt nốt lấy từ vùng Bảy Núi của tỉnh này là ngon và ngọt nhất.
Bánh bò thốt nốt có màu vàng óng đẹp mắt. Bề mặt bánh không mềm mịn mà có nhiều lỗ nhỏ. Khi xẻ bánh, bạn sẽ thấy các đường sọc được ví như rễ tre xếp đều tăm tắp. Món ăn này phù hợp với nhiều khẩu vị khác nhau, dễ làm, do đó có giá thành không cao. Người nấu có thể nặn nhiều chiếc bánh nhỏ hoặc làm bánh lớn và cắt miếng bày bán. Mỗi chiếc nhỏ khoảng 3.000 đồng.
Bánh cam nhân đậu xanh
Bánh cam không phải món ăn xa lạ với người dân mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, bánh cam ngon nhất phải xuất xứ từ miền Tây. Người dân Cần Thơ, Tiền Giang, Trà Vinh,… đều thành thạo trong việc chế biến món ăn này.
Bánh cam có lớp vỏ dày và giòn, được chiên trong chảo dầu lớn nên có màu vàng ươm. Ngoài ra, để bánh dễ ăn hơn, người nấu sẽ phết một lớp nước đường lên vỏ để bánh óng ánh và ngọt hơn. Nhiều nơi sử dụng đường và mè rắc trực tiếp lên cũng rất bắt vị và bắt mắt. Nhân bánh là đậu xanh đánh nhuyễn, vo viên nhỏ. Khi ăn, bánh cam có vị ngọt lịm, bùi và béo.
Món đặc sản này được bày bán ở rất nhiều nơi. Giá thành của nó cũng khá thấp, chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng/chiếc. Tại Sài Gòn, bạn cũng có thể tìm thấy những xe hàng rong bán loại bán này dễ dàng ở các khu chợ; đặc biệt là khu vực Quận 5, Quận 6, Bình Chánh, Bình Tân,… nơi có nhiều người Tây Nam Bộ sinh sống.
Bánh da lợn
Với những người thích ăn ngọt, bánh da lợn là lựa chọn vô cùng hợp lý. Món đặc sản miền Tây trứ danh này có độ mềm dẻo vừa phải. Khi cắn sẽ thấy vị ngọt tràn vào miệng và khiến người ăn muốn nhấm nháp liên tục. Bánh da lợn được tạo thành từ nhiều lớp, gồm lớp bột và lớp đậu xanh, khoai mì mịn màng. Do đó, cảm giác đem lại cho người ăn là cực kỳ lạ miệng và lôi cuốn vị giác.
Bánh da lợn có vẻ ngoài cầu kỳ nhưng thực chất cách làm rất đơn giản. Qua đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây, chiếc bánh trở nên vô cùng bắt mắt và nổi bật. Đây cũng là món ăn được nhiều người học hỏi và hiện tại đã được bày bán tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi miếng bánh hình tam giác, tròn hoặc hình vuông có giá từ 2.000 – 5.000 đồng. Bạn nhất định nên thưởng thức.
Bánh tai yến
Bánh tai yến được làm từ bột chiên vàng trên dầu nóng. Đặc trưng của bánh nằm ở hình dáng. Món ăn này có phần viền cong lên và xoắn lại, ở giữa phồng tròn nhìn rất đẹp mắt. Bánh có hình dạng giống tổ yến nên được đặt tên là bánh tai yến.
Bánh được chiên mỏng và giòn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngậy, ngọt thanh khó cưỡng của đường, cốt dừa và vani. Miếng bánh tan chậm trên đầu lưỡi và lưu lại hương thơm nhẹ, tạo cảm giác thích thú cho người ăn. Những chiếc bánh tai yến có giá khá rẻ, chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/chiếc.
Bánh xèo miền Tây
Bánh xèo là món ăn đặc trưng bởi phần vỏ giòn rụm, vàng ươm, nhân tôm thịt và giá tươi ngon, vừa béo vừa ngọt. Hiện nay, để đưa được món đặc sản miền Tây này đến gần hơn với người dân Việt Nam và thế giới. Làng bánh xèo Cao Lãnh là một trong những địa điểm nổi tiếng về món Bánh xèo miền Tây nức tiếng Đất Sen Hồng. Đây là địa điểm tập trung những người lành nghề nhất để làm ra chiếc bánh ngon lành. Thực khách đến Đồng Tháp hãy ghé qua thưởng thức.
Bánh xèo được nấu trên lửa lớn. Đầu bếp sẽ đổ phần bột loãng vào chảo gang để tạo nên lớp vỏ vàng ươm đẹp mắt. Tôm tươi, thịt mỡ và giá sống được cho vào giữa để làm nhân. Khi bánh chín, người thợ sẽ gấp đôi lại và bày ra đĩa. Thành phẩm là chiếc bánh mỏng đầy nhân, thơm nồng nàn ăn cùng rau thơm, xà lách, dưa leo và đu đủ muối chua. Nước chấm tỏi ớt thêm đậm đà hương vị.
Bánh xèo miền Tây có giá thành rất phải chăng. Một chiếc bánh lớn có thể cắt ra được 5 – 6 miếng nhỏ chỉ khoảng 10.000 – 15.000 đồng/chiếc. Rau tươi xanh ăn kèm thoải mái. Bạn có thể ghé vào làng bánh Cao Lãnh để thưởng thức nhiều chiếc bánh được biến tấu mới lạ hoặc ghé chợ nổi để thêm cảm giác thú vị.
Đặc sản miền Tây vô cùng đa dạng và ngon lành. Những loại bánh được hình thành từ bàn tay con người mang đậm sự sáng tạo, thể hiện sự vươn lên trong cuộc sống khó khăn. Ngoài ra, bên cạnh ẩm thực phong phú, thiên nhiên bình dị cũng là một đặc trưng riêng biệt khi nhắc đến nơi đây. Bạn hãy dành thời gian và đến nơi tận cùng của Tổ quốc thân thương này để trải nghiệm nhé.
Và đừng quên xem thêm nhiều bài viết thú vị về ăn uống tại chuyên mục Ăn Sập của Sendidau nhé!